Hầu như mọi người không ai nhớ được khi còn bé tí mình ra sao. Tuy nhiên đấy không phải vì bộ não không lưu giữ được thông tin mà do ở tuổi đó, não không hoạt động với mục đích lưu trữ thông tin dưới dạng kí ức.

Rõ ràng là trẻ em nhớ được nhiều điều khi còn nhỏ, như là bố mẹ tên là gì hay là biết nói cảm ơn khi được cho quà bánh. Đây được gọi là “trí nhớ ngữ nghĩa”.


Còn từ sơ sinh đến khoảng 2 hoặc 4 tuổi, trẻ nhỏ vẫn thiếu “trí nhớ sự kiện” – tức là nhớ được các chi tiết của một sự kiện cụ thể. Hai dạng trí nhớ này được lưu giữ ở một số vùng trên vỏ não, ví dụ: trí nhớ về âm thanh được lưu ở vỏ não thính giác nằm ở hai bên bộ não, còn trí nhớ hình ảnh được lưu ở vỏ não hình ảnh nằm ở phía sau bộ não. Một vùng của não gọi là hồi cá ngựa có chức năng liên kết các mảng trí nhớ này với nhau.

Giáo sư Tâm lí học Patricia Bauer của Trường đại học Emory, Atlanta, Mỹ, nói rằng “bạn hình dung vỏ não như một chiếc giường trải đầy hoa với nhiều loại hoa khác nhau. Hồi cái ngựa nằm gọn ở giữa bộ não có nhiệm vụ liên kết các bông hoa với nhau thành một bó hoa”. Bó hoa đó chính là bộ nhớ của bạn.

Vậy tại sao trẻ nhỏ thường quên một số giai đoạn hay sự kiện nào đó từ tuổi sơ sinh cho đến khoảng 2 – 4 tuổi?

Theo Giáo sư Tâm lí học Nora Newcombe của Trường đại học Temple ở Philadelphia, Mỹ, đó rất có thể là do khi hồi cá ngựa bắt đầu thực hiện chức năng liên kết các mảnh thông tin lại với nhau thì trí nhớ sự kiện chưa cần phức tạp khi mà trẻ mới đang ở tuổi học hỏi xem thế giới xung quanh là gì.

Bà nói “tôi cho rằng mục tiêu cơ bản của hai năm đầu đời là thu thập kiến thức ngữ nghĩa và do đó, trí nhớ sự kiện có thể chưa được bộ não xử lí hoàn chỉnh.”